Ts. Vũ Dương Hiền – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn HAPACO vinh dự là 1 trong 60 trí thức tiêu biểu của Thành phố Hải Phòng trong 60 năm qua được vinh danh
Xuất phát từ ý kiến chỉ đạo của Thành ủy và UBND Thành phố Hải Phòng cùng sự tâm huyết, quyết tâm của tập thể cán bộ viên chức Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hải Phòng, thiết thực chào mừng Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XV trong năm 2015, LHH Hải Phòng đã triển khai thực hiện ấn phẩm Trí thức Hải Phòng – 60 năm Xây dựng và Phát triển. Sau 6 tháng với sự cộng tác nhiệt tình của các nhà văn, nhà báo và chuyên gia hàng đầu trong và ngoài thành phố, cùng sự phối hợp hiệu quả từ các cơ quan đơn vị uy tín như Báo Hải Phòng, Tạp chí Trí thức và Phát triển, Tạp chí Khoa học Kinh tế, Báo An ninh Hải Phòng, Nhà xuất bản Hải Phòng…tháng 10/2015, ấn phẩm đã chính thức đến tay đông đảo bạn đọc, trong đó có các đại biểu tham dự Đại hội Đảng bộ TP Hải Phòng lần thứ XV. Đây là một thành quả mang ý nghĩa quan trọng của đội ngũ trí thức Hải Phòng trong năm 2015 góp phần vào thành công của Đại hội Đảng bộ Thành phố.
Tập đoàn HAPACO xin trân trọng giới thiệu bài viết về Ts. Vũ Dương Hiền được in trong cuốn sách:
TRÍ THỨC – DOANH NHÂN TÀI BA
- Sinh năm: 1944
- Quê quán: Dưỡng Động, Minh Tân, Thủy Nguyên, Hải Phòng
- Nơi ở hiện nay: Hải Phòng
- Chức vụ đã và đang đảm nhiệm: Bí thư Đảng ủy – Giám đốc Xí nghiệp Giấy bìa Đồng Tiến; Tổng giám đốc, Chủ tịch Tập đoàn HAPACO.
- Phần thưởng cao quý: Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Ba; Huân chương Lao động hạng Nhất…
Tiến sĩ Vũ Dương Hiền người làng Dưỡng Động, thuộc tổng Tràng Kênh xưa, nay là xã Minh Tân, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Ông tuổi Giáp Thân, sinh năm 1944, là hậu duệ Đông Giang Hầu Tả tướng quân Vũ Nạp, người đã góp công lớn cùng quân dân nhà Trần làm nên chiến thắng Bạch Đằng lịch sử.
Thuở thiếu thời, Vũ Dương Hiền là người hiếu học. Đấy là những năm tháng gian khó, loạn ly của đất nước, quê hương. Nhà nghèo nhưng chàng trai Vũ Dương Hiền vẫn chịu khó đi học. Hòa bình lập lại, ông hăng hái tham gia phong trào bình dân học vụ, diệt giặc dốt. Sau khi tốt nghiệp cấp 2, ông được địa phương cử đi học trung cấp sư phạm rồi trở về quê vừa làm giáo viên vừa tiếp tục học tập đến bậc đại học. Người giáo viên trẻ đó đã đem hết tâm huyết, lòng nhiệt tình gây dựng sự nghiệp giáo dục ở quê hương mình. Vì thế ông được bổ nhiệm giữ chức hiệu trưởng khi còn rất trẻ. (Trường tiểu học do ông làm hiệu trưởng khi xưa, nay có một quỹ học bổng khuyến học, khuyến tài mang tên ông, do chính ông thành lập và tài trợ, số dư quỹ là một tỉ đồng).
Theo yêu cầu công tác, cấp trên điều động ông thoát ly ra thành phố làm cán bộ ngành giáo dục. Trong các năm từ 1968 đến 1977 ông làm Bí thư Đảng bộ Xí nghiệp Đồ dùng dạy học Hải Phòng. Cuối năm 1977, ông được điều động về công tác tại Ban khoa giáo Thành ủy Hải Phòng. Ông thuộc lớp cán bộ nguồn nên theo chủ trương hạ phóng để đào tạo qua thực tế lúc bấy giờ, cuối năm 1982 ông được Thành ủy Hải Phòng điều xuống phụ trách Xí nghiệp Giấy bìa Đồng Tiến thuộc Sở Công nghiệp Hải Phòng, giữ chức Bí thư Đảng ủy kiêm Giám đốc xí nghiệp. Và đó chính là một bước ngoặt trong cuộc đời ông.
Xí nghiệp Giấy bìa Đồng Tiến khi ông xuống làm Giám đốc thực chất chỉ là một xưởng sản xuất giấy bìa carton, giấy gói, không có tài sản gì đáng kể, đời sống công nhân hết sức khó khăn. Lúc bấy giờ ông Hiền mạnh dạn xin thành phố cho thí điểm thực hiện cơ chế chuyển giao quyền tự chủ cho giám đốc. Mọi người còn nhớ thời điểm đó, quyền lực trong doanh nghiệp không phải trong tay giám đốc mà thuộc về “bộ tứ ”. Bộ tứ thì được cái dân chủ nhưng ông Hiền nhận ra nó không thể vận hành hiệu quả trong việc tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Cũng phải trầy trật lắm cấp trên mới dám quyết định thí điểm thực hiện chuyển giao quyền tự chủ cho Giám đốc Hiền.
Từ khi giám đốc có quyền tự chủ, Giấy bìa Đồng Tiến từng bước thoát khỏi khó khăn. Từ 1985-1990 mỗi năm Xí nghiệp xuất khẩu sang Liên Xô 600-700 tấn giấy theo phương thức “hàng đổi hàng” giữa các nước xã hội chủ nghĩa.
Khi Liên Xô sụp đổ, mất thị trường Đông Âu, năm 1990 ông Hiền lặn lội sang thị trường tư bản là Đài Loan. Qua bao gian truân tưởng chừng khó vượt qua nổi, cuối cùng doanh nghiệp cũng nhúc nhắc đi lên và làm ăn dần khấm khá trở lại từ sản xuất giấy vàng mã xuất khẩu. Nói thì đơn giản như vậy, nhưng với mặt hàng vàng mã, doanh nghiệp cũng có lần suýt bị đóng cửa. Nguyên nhân của cái “suýt” ấy bắt nguồn từ nhận thức ấu trĩ, cho rằng sản xuất vàng mã là tiếp tay cho tệ mê tín dị đoan. Nhà máy đã phải dừng hoạt động một thời gian. Một việc đơn giản như vậy mà lúc bấy giờ phải lên tới Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng) Đỗ Mười giải quyết. Quả là nỗi truân chuyên của người đi tiên phong. (Bây giờ thì sau ông Hiền, chỉ tính riêng Hải Phòng đã có tới hơn chục doanh nghiệp sản xuất giấy vàng tiền xuất khẩu sang Đài Loan). Sản phẩm giấy vàng mã xuất khẩu 100% nên chính phủ cho phép sản xuất. Doanh nghiệp được hồi sinh và phát triển mạnh mẽ.
Người ta nói Vũ Dương Hiền là giám đốc của những cái mới quả không sai. Khi Đảng và Nhà nước có chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, ông Hiền lại là người đầu tiên ở Hải Phòng đề nghị với thành phố xin thực hiện thí điểm cổ phần hóa ở đơn vị mình. Vì còn quá mới mẻ nên cả doanh nghiệp và thành phố còn rất rụt rè. Do đó, bước đầu ông chỉ dám đề xuất tiến hành cổ phần hóa một bộ phận của doanh nghiệp. (Bộ phận đó sau này chính là Công ty cổ phần HAPACO Hải Âu từng có tên niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam với mã GHA, đến nay chuyển đổi mô hình đã sáp nhập lại vào HAPACO). Sau một năm công ty cổ phần làm ăn có hiệu quả, đồng thời chính phủ chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp, ông Hiền lại đề nghị và được thành phố chấp thuận cho cổ phần hóa toàn bộ Công ty Giấy Hải Phòng. Công ty cổ phần HAPACO ra đời và thuận đà phát triển, ông giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc.
Bệnh viện Quốc tế Green
Thị trường chứng khoán Việt Nam ra đời, năm 2000 ông Vũ Dương Hiền lại là người đi tiên phong đưa doanh nghiệp mình tham gia thị trường vốn hết sức mới lạ này. Đây là một việc làm táo bạo rất đáng trân trọng khi ta nhớ lại Giấy Hải Phòng là doanh nghiệp đầu tiên của Hải Phòng và cũng là đầu tiên của miền Bắc tham gia niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam ra đời vỏn vẹn chỉ có ba doanh nghiệp lúc đầu, với mã HAP.
Rồi HAPACO cũng là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam thực hiện việc phát hành cổ phiếu trên thị trường chứng khoán để tăng vốn điều lệ, thu hút vốn cho đầu tư phát triển doanh nghiệp thành công một cách ngoạn mục. Để giúp cho các nhà đầu tư chứng khoán ở Hải Phòng không phải lên Hà Nội và vào thành phố Hồ Chí Minh mở tài khoản giao dịch mua bán cổ phiếu, được thành phố cổ vũ, ông Hiền là người đứng ra vận động thành lập Công ty chứng khoán Hải Phòng và sau đó cũng đã đưa lên sàn giao dịch với mã cổ phiếu HPC. Hiện nay, Công ty HPC có hàng ngàn nhà đầu tư mở tài khoản giao dịch và trở thành 1 trong 20 công ty chứng khoán hàng đầu, có doanh số cao của cả nước. Để làm nên những cái “đầu tiên” thành công ấy, ít ai biết giám đốc Vũ Dương Hiền đã bỏ ra bao đêm không ngủ. Công ty cổ phần Giấy Hải Phòng nay đã là Tập đoàn HAPACO. Tiến sỹ Vũ Dương Hiền nay không còn giữ chức Tổng giám đốc điều hành, ông chỉ còn làm Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn để chuyên lo vạch ra đường lối chiến lược làm ăn phát triển doanh nghiệp.
Đến nay, tập đoàn HAPACO từ một xưởng giấy bìa Đồng Tiến năm nào, đã có vốn chủ sở hữu trên 1.000 tỷ đồng, tăng gần 100 lần khi chưa cổ phần hóa. Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của tiến sỹ Vũ Dương Hiền, HAPACO luôn đạt mức tăng trưởng trên 20%. HAPACO lại là doanh nghiệp Hải Phòng tiên phong đầu tư ra nước ngoài với 2 công ty con tại Đài Loan và Belarut. HAPACO hôm nay đã là một tập đoàn với hàng chục công ty con kinh doanh đa ngành trải rộng trên cả nước. HAPACO đã, đang triển khai nhiều dự án đầu tư quy mô lớn và giàu triển vọng như: Dự án Bệnh viện phụ sản Quốc tế Hải Phòng trên diện tích sàn sử dụng 20.000 m2, đã khánh thành đi vào hoạt động từ tháng 10 năm 2014, trở thành một điểm sáng trong ngành Y tế Hải Phòng và cả nước. Dự án tháp tài chính xây dựng văn phòng cho thuê với tổng diện tích sàn 24.000 m2, tổng vốn đầu tư dự kiến trên 200 tỷ đồng cũng đang được chuẩn bị đầu tư. Bên cạnh đó là các dự án phát triển vùng nguyên liệu giấy tại các tỉnh miền núi phía Bắc, tạo công ăn việc làm và góp phần phát triển kinh tế xã hội vùng sâu, vùng xa… Song song với việc đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, tập đoàn còn chú trọng đầu tư chiều sâu, tăng cường cơ sở vật chất, công nghệ tiên tiến bảo đảm phát triển nhanh và bền vững.
Bên cạnh việc phát triển sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm và đời sống cho người lao động, HAPACO và cá nhân Tiến sỹ Vũ Dương Hiền còn thường xuyên tham gia hoạt động xã hội từ thiện với số tiền hàng năm lên tới hàng trăm triệu đồng. Doanh nghiệp nhiều năm liên tục được trao danh hiệu “Doanh nghiệp tiêu biểu của thành phố ”; Tiến sỹ Vũ Dương Hiền được suy tôn là “Doanh nhân tiêu biểu”. Năm 2006, ông được bình chọn vào danh sách 100 doanh nhân Việt Nam tiêu biểu và được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đón tiếp.
Nói đến doanh nhân tiến sỹ Vũ Dương Hiền còn phải kể đến tấm gương tự học không ngừng nghỉ, không biết mệt mỏi. Bằng tự học, vừa làm vừa học, ông đã bảo vệ thành công và lấy được bằng Tiến sỹ Kinh tế vào năm 1990. Ông tâm sự, vốn là một trí thức, ông học tập để lấy kiến thức làm việc thực sự. Tiếp xúc với ông, người ta nhận thấy, ông có kiến thức sâu rộng không chỉ về ngành giấy mà còn về các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, ngoại thương…
Trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học của mình, Tiến sĩ Vũ Dương Hiền đã có ba công trình tiêu biểu: Công trình nghiên cứu cải tiến quản lý Xí nghiệp giấy bìa Đồng Tiến năm 1983; đề tài nghiên cứu cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước Công ty giấy Hải Phòng năm 1998; đề tài nghiên cứu tham gia Thị trường Chứng khoán Việt Nam năm 2000. Đó đều là những công trình khoa học được nghiên cứu theo mệnh lệnh của cuộc sống, “học đi đôi với hành”, nghiên cứu gắn với thực tiễn sản xuất kinh doanh, làm động lực thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển bền vững.
Comments
No comment yet.