Một trong những điểm mốc đáng nhớ trong quá trình phát triển của Tập đoàn HAPACO ngày nay, đó là vào năm 1960, Xí nghiệp Giấy bìa Đồng Tiến ra đời từ một công ty hợp doanh.
Từ cơ sở nhỏ thành thương hiệu mạnh
Nửa thế kỷ xây dựng và trưởng thành, qua nhiều lần thắt lưng buộc bụng cho cuộc trường sinh, thay da đổi thịt, từ một cơ sở sản xuất nghèo nàn, lạc hậu, trình độ lao động thấp kém, chỉ sản xuất một loại giấy bìa với sản lượng 700 tấn/năm… đến nay, HAPACO đã là một tập đoàn kinh tế lớn với 14 công ty thành viên và 4 đơn vị liên kết, kinh doanh đa ngành.
Hiện công ty đang triển khai nhiều dự án lớn với số vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, trong đó, các dự án trọng điểm bao gồm: Dự án xây dựng Bệnh viện Phụ sản quốc tế tại 738 Nguyễn Văn Linh, TP.Hải Phòng; Dự án xây dựng công trình Thủy điện Phiêng Côn tại tỉnh Sơn La; Dự án xây dựng Tòa tháp Tài chính tại 135 Điện Biên Phủ, TP.Hải Phòng; Dự án xây dựng Khu công nghiệp Nam Đình Vũ (Hải Phòng); Dự án xây dựng Nhà máy Lọc dầu 5 triệu tấn/năm tại Hải Phòng
HAPACO đã trở thành thương hiệu mạnh với 18,8 triệu cổ phiếu được niêm yết giao dịch trên sàn chứng khoán (mã HAP) và 2 công ty thành viên: Công ty cổ phần HAPACO Hải Âu (mã cổ phiếu là GHA), Công ty cổ phần HAPACO Yên Sơn (mã cổ phiếu là YSC) với hơn 3 triệu cổ phiếu. Số lượng cổ đông lên tới 8.000 người trong đó 800 cổ đông là người nước ngoài.
Cùng nông dân làm giàu
Ngoài những thành tích từng được ví như những kỳ tích vừa nêu, điều đáng khâm phục ở HAPACO là dù ở thời kỳ nào trong suốt chặng đường 50 năm qua, nhất là trong 30 năm trở lại đây, HAPACO đã luôn gắn bó với nông dân, đồng hành cùng nông dân trong công cuộc xây dựng đời sống mới ấm no ngay trên mảnh đất quê hương.
Ông Vũ Dương Hiền – Chủ tịch Hội đồng Quản trị – người chèo lái con tàu HAPACO đã luôn gắn bó với bà con các dân tộc trên khắp các vùng miền núi phía Bắc, am hiểu từng phong tục tập quán, đời sống của đồng bào. Ngay từ những năm 82- 83 của thế kỷ trước, ông đã lăn lộn sống cùng bà con ở các vùng núi Yên Bái, Sơn La, Bắc Cạn…
Năm 1994, ngay sau khi dành dụm được chút lưng vốn, Giám đốc Vũ Dương Hiền đã quyết định đầu tư 4 dây chuyền thiết bị sản xuất giấy lên Yên Bái, thành lập Công ty TNHH Hải Yên. Năm 1996 thành lập Xí nghiệp Giấy đế xuất khẩu Yên Sơn với công suất 6.000 tấn/năm. Nhà máy đi vào hoạt động đã tạo cơ hội đổi đời cho nhiều bà con dân tộc trở thành công nhân; tạo công ăn việc làm cho hàng trăm hộ dân được ký kết hợp đồng khai thác cây nguyên liệu cho nhà máy.
Những năm tiếp đó, HAPACO liên tục triển khai các dự án xây dựng nhà máy trên khắp các tỉnh miền núi phía Bắc: Năm 2000 đầu tư lên tỉnh Lào Cai, thành lập Xí nghiệp Liên doanh HAPACO – Văn Bàn. Năm 2003 khánh thành Nhà máy Bột giấy Hoà Bình với công suất 6.000 tấn/năm tại xã Vạn Mai, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Năm 2007 khánh thành giai đoạn 1 Nhà máy Bột giấy Hải Hà, trực thuộc Công ty cổ phần Hải Hà (đơn vị thành viên của HAPACO), công suất 12.000 tấn/năm tại huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang…
Sức sống mới từ các dự án
Sự có mặt của HAPACO trên các vùng núi xa xôi đã đem đến cho bà con nơi đây một sức sống mới, tiếp cận với sản xuất công nghiệp, đồng thời tạo ra những vùng trồng rừng, trồng cây nguyên liệu với quy mô lớn. Đời sống người dân được cải thiện một cách rõ rệt từ nguồn cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy. Cách làm chung của HAPACO để khuyến khích bà con trồng rừng là: HAPACO cung cấp cây giống, bà con trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, đến kỳ thu hoạch sẽ bán lại cho HAPACO. Nhất cử lưỡng tiện, vừa phủ xanh đất trống đồi trọc, vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Trong chiến lược phát triển 5 năm (giai đoạn 2010-2015), dù đang tập trung triển khai nhiều dự án lớn trong các lĩnh vực tài chính, đầu tư bất động sản, hóa dầu… là những lĩnh vực đem lại hiệu quả kinh tế với mức lợi nhuận cao, nhưng Tập đoàn HAPACO vẫn không quên bà con nông dân và lĩnh vực kinh doanh truyền thống của mình. Hiện nay, HAPACO đang lập dự án xây dựng nhà máy bột giấy giai đoạn 1 công suất 12.000 tấn/năm và trồng 2.000ha rừng nguyên liệu tại tỉnh Cao Bằng.
Comments
No comment yet.