“Thành ủy Hải Phòng đã điều tôi về Xí nghiệp Giấy bìa Đồng Tiến theo cơ chế luân chuyển cán bộ. Đây chính là bước ngoặt đánh dấu sự nghiệp mới của tôi – trở thành một doanh nhân với nhiều thăng trầm”. Ông Vũ Dương Hiền, Tiến sĩ khoa học – kinh tế, Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Hapaco bắt đầu câu chuyện về sự nghiệp của mình.
Từ duyên…
Được đào tạo bài bản về sư phạm, có học vị tiến sĩ khoa học – kinh tế tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân và thời gian học quản lý kinh tế ở Liên Xô 7 tháng trước đó, việc ông Vũ Dương Hiền được bổ nhiệm làm hiệu trưởng Trường phổ thông cấp I xã Minh Tân, Thủy Nguyên, Hải Phòng vào năm 1964 cũng dễ hiểu. Nhưng duyên với nghề giáo của ông rất ngắn.
Vào năm 1968, ông được cử giữ chức Bí thư Đảng bộ Xí nghiệp đồ dùng dạy học. Đến 1977, ông lại được điều động về Ban khoa giáo Thành ủy Hải Phòng, giữ vị trí Phó bí thư Chi bộ. Sau gần 6 năm ở vị trí này, đầu năm 1983, ông được Thành ủy Hải Phòng “hạ phóng” xuống cơ sở là Xí nghiệp Giấy bìa Đồng Tiến.
“Lúc đó, xí nghiệp này đang đứng bên bờ vực thẳm. Vốn thì âm, cơ sở vật chất nghèo nàn, xuống cấp. Sản phẩm không tìm được đầu ra”, ông Hiền nhớ lại những ngày đầu nhận nhiệm vụ mới. Coi như cờ đến tay, khó khăn buộc phải quay, ông xác định việc hồi sinh nhà máy là nhiệm vụ của mình.
Ông kể, chật vật, mày mò, cuối cùng cũng có hướng ra khi tìm được cửa xuất khẩu giấy vệ sinh xuất sang Liên Xô (bây giờ là Liên bang Nga). Một năm rưỡi sau, Xí nghiệp được “cải tử hoàn sinh”, kinh doanh có lãi. Xí nghiệp được nâng cấp thành Nhà máy Giấy Hải Phòng.
Sau hai năm rưỡi làm việc tại Nhà máy Giấy Hải Phòng, ông được Thành ủy Hải Phòng gọi về để nhận nhiệm vụ mới. Nhưng đời vận vào chữ duyên, nên khó bỏ, lại được anh em công nhân níu kéo nên ông Hiền quyết định ở lại.
Nghiệp kinh doanh gắn chặt với cuộc đời ông đến giờ.
… thành nợ
Từ năm 1983 đến năm 1990, Nhà máy Giấy Hải Phòng xuất khẩu giấy vệ sinh sang Liên Xô theo phương thức hàng đổi hàng. Các mặt hàng Nhà máy nhập về là ô tô, tủ lạnh, hàng tiêu dùng,…
“Giai đoạn đó, nhập được những mặt hàng này về Việt Nam là siêu lợi nhuận”, ông Hiền nói. Nhờ vậy, Nhà máy bắt đầu có tích lũy, cùng với đó, thị trường xuất khẩu sang Liên Xô tiếp tục mở rộng.
Năm 1989, ông dẫn đoàn công tác sang Liên Xô và ký được hợp đồng trị giá tới 7 triệu rúp-đô la/năm. Về nước, ông huy động 5 xí nghiệp khác cùng thành lập Hiệp hội Giấy vệ sinh để sản xuất hàng xuất khẩu sang Liên Xô. Nhưng, người tính chẳng bằng trời tính, khi các xí nghiệp nắm bắt được kỹ thuật và bắt đầu đi vào sản xuất thì cũng là lúc Liên Xô sụp đổ. Hợp đồng triệu rúp-đô la cũng chấm dứt vô thời hạn.
Lại một lần nữa, sứ mệnh cải tử cho Nhà máy Giấy Hải Phòng đặt lên vai ông Hiền. Ông kể, không biết bao lần, ông phải vào vai cửu vạn, cùng con trai và phiên dịch qua cửa khẩu Móng Cái sang Trung Quốc để tìm cơ hội mới. “Mà ngày ấy, đâu phải được đi công khai, nhiều ngày. Anh chỉ được đi trong ngày, muộn nhất là 8 giờ tối phải về, không thì sẽ bị coi là kẻ vượt biên”, ông hồi tưởng những ngày bươn bải tìm hướng đi mới.
Ông trời chẳng phụ kẻ có công. Trong một chuyến đi như thế, ông đã gặp vị cứu tinh của mình, là một doanh nhân Đài Loan đang hướng dẫn công nhân của một xí nghiệp ở địa khu Khâm Châu, tỉnh Quảng Tây sản xuất giấy đế (loại giấy chuyên dùng cho việc thờ cúng). Nhu cầu sử dụng mặt hàng này của người Đài Loan lớn. Ông đặt vấn đề hợp tác sản xuất giấy cho họ.
Cái khó cho ông là dây chuyền sản xuất giấy vệ sinh không thể sản xuất giấy đế. Ông buộc phải nhập dây chuyền có giá trị 150.000 USD từ Đài Loan. Tiền vốn không còn nhiều, ông quyết đi vay USD để mở L/C với mức lãi suất có thể gọi là “cắt cổ”: 1,8%/tháng. Nhưng đây không phải là hành động liều lĩnh. Với kiến thức về kinh tế ông đã được đào tạo từ Liên Xô cũ, ông tự xây dựng luận chứng kinh tế kỹ thuật về khả năng thu hồi vốn. Theo như tính toán, nếu doanh thu gấp 5-6 lần vốn thì chỉ sau hơn 1 năm là hoàn đủ vốn. Mà khi đó, đơn hàng ông ký có giá trị 600 USD/tấn giấy đế, một dây chuyền có thể sản xuất được 1.200 tấn/năm. Thế thì chỉ cần gần 2 năm, nếu thuận lợi, ông sẽ trả hết nợ.
Vốn đã có, L/C cũng được mở để nhập máy về, nhưng dây chuyền về đến Cảng Hải Phòng thì ông lại gặp “họa”. Dây chuyền không thể làm thủ tục thông quan với lý do nhà nước không khuyến khích sản xuất mặt hàng có yếu tố mê tín. Vậy là, từ tháng 9/1990 đến tháng 12/1990, dây chuyền nằm phơi nắng ngoài cảng. Tỷ giá thì liên tục tăng, từ 6.300 đồng/USD lên 15.000 đồng/USD.
“Năm 1990 như năm hạn của tôi, tai ương liên tục dội xuống”, giọng ông trầm lại, nét mặt đượm buồn khi nhớ lại. Cơ hội kinh doanh dần tuột khỏi tầm tay, nợ thì tăng, ông đối mặt với án làm thất thoát tài sản. Khi đó, người ta gán cho ông cái biệt danh chẳng mấy hay ho “kẻ vứt tiền qua cửa sổ”. Không chỗ bấu víu, ông chỉ còn đường tự cứu mình.
Một mình, ông lên Hà Nội, tìm gặp Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười. Đó là tối ngày 07/12/1990. Sau khi trình bày rõ sự tình, Chủ tịch Đỗ Mười đã bút phê trực tiếp vào Công văn xin nhập dây chuyền thiết bị đồng bộ sản xuất giấy đế của UBND TP. Hải Phòng, chỉ đạo đồng chí Hoàng Minh Thắng, lúc đó là Bộ trưởng Bộ Thương nghiệp, cho phép Hải Phòng được nhập dây chuyền này về để sản xuất.
Ngay hôm sau, dây chuyền đã về Nhà máy Giấy Hải Phòng. Kể lại, ông Hiền, gọi ngày 7/12/1990 đó là ngày khai sinh lần thứ hai Nhà máy Giấy Hải Phòng. Đúng một năm sau, Nhà máy đã xuất khẩu 1.200 tấn giấy đế sang Đài Loan. Khoản vay nợ được trả trước thời hạn gần 2 năm.
Đi đầu và liên tục đổi mới
Khó khăn đã qua. Tiếp nối thành công từ việc có thị trường mới và phát triển ổn định, từ năm 1991 đến năm 1995, mỗi năm, Nhà máy Giấy Hải Phòng nhập thêm một dây chuyền mới.
Đến năm 1996, ông cho tháo rời một dây chuyền để nghiên cứu và tự chế tạo, lắp đặt một dây chuyền, chỉ nhập khẩu những chi tiết trong nước không sản xuất được. Giá thành dây chuyền giảm gần 40%. Doanh thu của nhà máy có thời điểm đến hơn 14 triệu USD. Lúc này, ông Hiền được ca ngợi như là một người hùng của TP. Hải Phòng.
Năm 1996, Chính phủ ban hành Nghị định 28/NĐ-CP về cổ phần hóa bộ phận doanh nghiệp nhà nước, nhưng phải đến năm 1998, mới được thực hiện thí điểm tại Hải Phòng. Là người nhạy bén và có nền tảng vững chắc về lý luận kinh tế, ông Hiền xung phong làm thí điểm. Ban đầu chỉ là cổ phần hóa 3 xưởng sản xuất của Nhà máy Giấy Hải Phòng, thành lập Công ty cổ phần Hải Âu. Sau một năm, lợi nhuận tăng gấp 3 lần, cổ đông đã nhận được cổ tức gấp 2 lần vốn góp. Với kết quả này, năm 1999, ông đã tiến hành cổ phần hóa phần còn lại, bằng cách chưa ai từng làm: dùng công ty con – Công ty Hải Âu mua toàn bộ giá trị của công ty mẹ để thành lập Công ty cổ phần Hapaco – công ty hoàn thành cổ phần hóa đầu tiên của cả miền Bắc.
Năm 2000, thị trường chứng khoán Việt Nam được thành lập. Hapaco một lần nữa chọn cách đi đầu, trở thành doanh nghiệp đầu tiên của miền Bắc, một trong 3 doanh nghiệp đầu tiên của cả nước mở cửa thị trường chứng khoán non trẻ. HAP xuất hiện cùng REE và SAM trên bảng điện tử… “Đây là quyết định khiến tôi hài lòng nhất trong sự nghiệp của mình”, ông chia sẻ. Nhờ gia nhập thị trường chứng khoán, tổng số vốn của Hapaco đã tăng từ 10 tỷ đồng lên hơn 500 tỷ đồng chỉ sau gần 15 năm hoạt động.
Hapaco ngày nào đã trở thành tập đoàn với 12 đơn vị thành viên trong nước, 2 đơn vị hoạt động ở nước ngoài và 4 đơn vị liên kết, kinh doanh đa dạng trên các lĩnh vực đầu tư tài chính, thương mại dịch vụ, sản xuất công nghiệp, bất động sản, khu công nghiệp, bệnh viện…; doanh thu hàng năm lên tới hàng trăm tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động…
Nhưng ông Hiền chưa muốn dừng lại. Mới đây, ông đã bổ sung vào lĩnh vực hoạt động của HAP ngành nghề mới là dịch vụ khám chữa bệnh. Bệnh viện Quốc tế Green. Vào năm 2006, nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Trường tiểu học Minh Tân (nơi ông từng làm Hiệu trưởng), ông đã xây dựng Quỹ Khuyến học với số tiền 1,35 tỷ đồng, dành làm tiền thưởng cho học sinh nghèo vượt khó, thầy cô dạy giỏi cấp thành phố. Nghe đâu, ông đang dự định xây một viện dưỡng lão…
Vị doanh nhân lão làng, có mặt trong top 100 nhà lãnh đạo giỏi ASEAN năm 2014 vẫn đang ấp ủ nhiều kế hoạch…
Theo Báo đầu tư
Comments
No comment yet.